Thủ tục thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội

Thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội để kinh doanh là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp bởi tại đây hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn cho nhiều công ty, Nam Việt Luật nhận thấy các quy định về thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội, thủ tục thực hiện… vẫn còn gây nhiều thắc mắc cho các công ty cả trong nước và nước ngoài.

Nhiều công ty có nhu cầu thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội

Với mục đích cung cấp thêm thông tin cho khách hàng, Nam Việt Luật xin chia sẻ các nội dung chính yếu như sau:

  • Quy định liên quan về thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội
  • Quy trình và thông tin về dịch vụ thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội của Nam Việt Luật
  • Kinh nghiệm khi thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội
  • Một số lưu ý khi thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội

Để biết rõ hơn về các nội dung trên, bạn có thể dõi theo phần tư vấn chi tiết cùng Bộ phận pháp lý Nam Việt Luật dưới bài viết sau đây nhé!

Bộ phận pháp lý Nam Việt Luật trả lời:

Quy định liên quan về thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội

Chi nhánh công ty là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân. Chi nhánh công ty chỉ hoạt động trong phạm vi được doanh nghiệp cho phép. Các đặc điểm của chi nhánh được liệt kê tại khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 84 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 44. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp

  1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp…

Điều 84. Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân

  1. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
  2. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân…
  3. Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai.
  4. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo uỷ quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được uỷ quyền.
  5. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.

Khi công ty thành lập chi nhánh cần lưu ý các yêu cầu về đặt tên doanh nghiệp theo Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 20 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP:

Điều 40. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh

1. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

2. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.

3. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành.

Điều 20. Đăng ký tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh

2. Ngoài tên bằng tiếng Việt, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.

3. Phần tên riêng trong tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.

4. Đối với những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức lại.

Riêng đối với các công ty nước ngoài, khi muốn thành lập chi nhánh tại Hà Nội phải đáp ứng các điều kiện cấp Giấy phép thành lập chi nhánh được liệt kê theo Điều 8 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP:

Điều 8. Điều kiện cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh

Thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh khi đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
  2. Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
  3. Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
  4. Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài;
  5. Trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.

Để được tư vấn chi tiết hơn về cách đặt tên chi nhánh hoặc các điều kiện cần đáp ứng, bạn hãy liên hệ ngay với dịch vụ thành lập chi nhánh công ty của Nam Việt Luật.

Các quy định công ty cần lưu ý khi thành lập chi nhánh công ty

Quy trình và thông tin về dịch vụ thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội của Nam Việt Luật

Công ty trong nước hoặc công ty nước ngoài khi có muốn thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội phải thực hiện thủ tục tương ứng dưới đây:

1. Thủ tục đối với công ty trong nước

Cơ quan có thẩm quyền: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.

Hồ sơ cần chuẩn bị: Công ty trong nước muốn thành lập chi nhánh tại Hà Nội cần chuẩn bị bộ hồ sơ gồm:

  • Thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký
  • Bản sao nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; bản sao nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thành lập chi nhánh
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh
  • Văn bản ủy quyền và bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân của người làm thủ tục.

Các bước thực hiện:

Bước 1: Chuẩn bị và hoàn thiện bộ hồ sơ gồm các giấy tờ nêu trên.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh.

Việc nộp hồ sơ có thể thực hiện theo một trong các phương thức sau:

  • Nộp trực tiếp
  • Nộp thông qua dịch vụ bưu chính
  • Nộp qua mạng điện tử thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đây cũng là phương thức nộp hồ sơ phổ biến hiện nay.

Bước 3: Phòng đăng ký kinh doanh xem xét hồ sơ và trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh cho công ty.

2. Thủ tục đối với công ty nước ngoài

Cơ quan có thẩm quyền: Bộ Công thương là cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ và cấp Giấy phép thành lập chi nhánh cho công ty nước ngoài tại Việt Nam.

Hồ sơ cần chuẩn bị: Bộ hồ sơ công ty nước ngoài cần chuẩn bị bao gồm các giấy tờ theo Điều 12 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh do đại diện có thẩm quyền của công ty nước ngoài ký;
  • Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của công ty nước ngoài;
  • Văn bản của công ty nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu Chi nhánh;
  • Bản sao báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi công ty nước ngoài thành lập cấp hoặc xác nhận, chứng minh sự tồn tại và hoạt động của công ty nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;
  • Bản sao Điều lệ hoạt động của Chi nhánh;
  • Bản sao hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Chi nhánh;
  • Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh bao gồm: Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh công ty có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở Chi nhánh; Bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh.
  • Văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục trong trường hợp ủy quyền cho người khác làm thủ tục thành lập chi nhánh công ty

Các bước thực hiện:

Bước 1: Chuẩn bị và hoàn thiện bộ hồ sơ gồm các giấy tờ nêu trên.

Bước 2: Nộp trực tiếp hồ sơ tại Bộ Công thương hoặc thông qua đường bưu điện hoặc trực tuyến.

Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương kiểm tra, yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương quyết định cấp Giấy phép hoặc không cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh cho công ty nước ngoài.

Bên cạnh các thủ tục thành lập công ty, thủ tục thành lập chi nhánh là một trong những thủ tục Nam Việt Luật thực hiện nhiều nhất cho khách hàng. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên Luật vững chuyên môn, giàu kinh nghiệm, Nam Việt Luật chuyên tư vấn, thực hiện cho khách các hạng mục công việc như:

  • Tư vấn trước khi thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội: Đặt tên chi nhánh công ty đúng quy định pháp luật; các điều kiện thành lập chi nhánh, lựa chọn địa điểm đặt chi nhánh, người đứng đầu chi nhánh…;
  • Tư vấn và soạn thảo hồ sơ đề nghị thành lập chi nhánh công ty;
  • Tư vấn các bước làm thủ tục thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội hoặc trực tiếp thực hiện thủ tục cho khách hàng nếu có yêu cầu.
  • Các vấn đề cần quan tâm sau khi thành lập chi nhánh như: Kê khai, nộp thuế; cung cấp dịch vụ kế toán

Nam Việt Luật cung cấp dịch vụ thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội

Kinh nghiệm khi thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội

Dưới đây là một số kinh nghiệm hữu ích bạn có thể tham khảo thêm khi làm thủ tục thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội.

  • Trong quá trình thực hiện thủ tục nhiều công ty đã đặt tên chi nhánh sai, hoặc chuẩn bị bộ hồ sơ không đầy đủ các giấy tờ cần thiết dẫn đến bị cơ quan có thẩm quyền không yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ gây mất thời gian. Có nhiều công ty, thường là các công ty nước ngoài, không được tư vấn trước khi thành lập chi nhánh nên không đáp ứng đủ các điều kiện thành lập chi nhánh, bị cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp phép thành lập. Để giải quyết những khó khăn này, công ty nên sử dụng dịch vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội. Bạn có thể tham khảo: Dịch vụ của Nam Việt Luật hoặc bất kỳ đơn vị tư vấn phù hợp nào.
  • Sau khi thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội, nhiều công ty bị xử phạt vi phạm hành chính do không thực hiện các công việc cần thiết sau khi thành lập như kê khai, nộp thuế môn bài, thông báo phát hành hóa đơn… Do đó, các công ty cần lưu ý, sau khi chi nhánh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, phải thực hiện ngay các công việc sau thành lập như:

– Kê khai và nộp thuế môn bài cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp

– Thông báo về việc sử dụng hóa đơn.

– Mở tài khoản ngân hàng cho chi nhánh để thuận tiện trong giao dịch.

– Khắc con dấu chi nhánh

– Treo biển tại địa điểm đặt chi nhánh.

Xem thêm: Các công việc cần làm sau thành lập chi nhánh công ty

  • Khi thành lập chi nhánh công ty nước ngoài, cần chú ý phạm vi hoạt động của chi nhánh phải phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
  • Công ty nước ngoài cần lưu ý, trong hồ sơ thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội, các giấy tờ như Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh; Văn bản cử/bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh; Báo cáo tài chính; Điều lệ chi nhánh; Bản sao hộ chiếu của người nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực. Riêng Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh của công ty nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự hoặc có chứng nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

Một số lưu ý khi thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội

1. Tại sao nên sử dụng dịch vụ thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội

Ngày càng có nhiều công ty lựa chọn sử dụng dịch vụ thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội thay vì tự mình thực hiện thủ tục bởi những lợi ích dưới đây:

  • Đảm bảo tính tuân thủ pháp luật: Khi sử dụng dịch vụ, khách hàng được tư vấn các quy định của pháp luật khi thành lập chi nhánh, được cung cấp các thông tin hữu ích về tình hình kinh tế – xã hội tại Hà Nội. Từ đó, khách hàng có thể đặt tên chi nhánh, lựa chọn địa điểm đặt chi nhánh, người đứng đầu chi nhánh phù hợp với quy định của pháp luật cũng như mong muốn của công ty. Đặt biệt, các công ty nước ngoài thường không am hiểu pháp luật Việt Nam nên sử dụng dịch vụ của các đơn vị tư vấn để đảm bảo tốt nhất việc tuân thủ pháp luật. Trên thực tế, nhiều công ty tự mình thực hiện thủ tục, do không được tư vấn, không am hiểu các quy định pháp luật, thủ tục thực hiện nên thường mắc sai sót dẫn đến phải sửa đổi hồ sơ hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội.
  • Đảm bảo tính chính xác: Hồ sơ thành lập chi nhánh công ty được soạn thảo đầy đủ, chính xác dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp cho công ty tư vấn, nhờ đó, hạn chế tối đa sai sót trong hồ sơ.
  • Tiết kiệm thời gian: Thủ tục thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội được thực hiện nhanh chóng, tuân thủ quy định của pháp luật, luôn đảm bảo đúng quy trình, yêu cầu theo quy định của pháp luật hiện hành và được cơ quan nhà nước chấp thuận.
  • Tiết kiệm chi phí: Các công ty dịch vụ thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội với chi phí hợp lý, hạn chế tối đa các chi phí phát sinh không cần thiết. Từ đó, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí. Tham khảo: Dịch vụ của Nam Việt Luật

2. Bối cảnh và tình hình kinh tế xã hội tại Hà Nội

Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, là trung tâm kinh tế – văn hóa – chính trị hàng đầu cả nước.

  • Phía Bắc giáp Thái Nguyên, Vĩnh Phúc
  • Phía Nam giáp Hà Nam, Hòa Bình
  • Phía Đông giáp với Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên
  • Phía Tây giáp Hòa Bình, Phú Thọ

Với vị thế là thủ đô của Việt Nam, Hà Nội được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại bậc nhất, là điều kiện thuận lợi để các công ty trong nhiều lĩnh vực phát triển. Hệ thống giao thông lấy Hà Nội làm trung tâm tạo khả năng kết nối linh hoạt từ Hà Nội đi các tỉnh thành phố khác trong cả nước như: Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Thái Nguyên… và nhiều hệ thống đường hiện đại khác.

Hà Nội là nơi thuận lợi cho phát triển các ngành dịch vụ

Kinh tế của Hà Nội hiện nay phát triển theo hướng tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế tại đây. Các ngành công nghiệp chủ lực tại Hà Nội có thể kể đến như: chế biến thực phẩm, đồ uống, sản phẩm thuốc lá, trang phục, xe có động cơ tăng. Hà Nội là thành phố có tiềm năng phát triển du lịch. Với bề dày lịch sử, Hà Nội có nhiều khu di tích lịch sử, các công trình kiến trúc, hệ thống bảo tàng đa dạng, nhà hát sân khấu dân gian cùng các làng nghề truyền thống thu hút nhiều du khách. Các lĩnh vực dịch vụ khác như khách sạn, nhà hàng, vận tải, xuất nhập khẩu, vui chơi, giải trí cũng phát triển cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế. Trong nông nghiệp, Hà Nội cũng có các ngành, sản phẩm chủ lực như chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Hà Nội cũng là thành phố tập trung dân cư đông đúc, là nguồn cung cấp nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đã qua đào tạo cho các công ty.

Một số ngành nghề đáng cân nhắc khi muốn thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội

Từ những lợi thế về kinh tế – xã hội của TP Hà Nội, có thể thấy, đây là địa điểm phù hợp cho các công ty thành lập chi nhánh để kinh doanh các ngành dịch vụ, thương mại. Các bạn có thể tham khảo một số ngành nghề phù hợp để kinh doanh tại Hà Nội dưới đây:

—————————————————–

Trên đây là tư vấn cũng như những thông tin hữu ích mà Nam Việt Luật tổng hợp được về thủ tục thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội để các bạn tham khảo. Thông qua bài viết này, mong rằng các bạn đã hiểu rõ hơn về các quy định liên quan. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, Nam Việt Luật có thể sẽ không thể đáp ứng được hết những nhu cầu, thắc mắc của các bạn vì đây là thủ tục tương đối phức tạp. Để được tư vấn trực tiếp hơn hoặc có nhu cầu thực hiện thủ tục, thắc mắc liên quan đến vấn đề trên, hãy liên hệ Nam Việt Luật để được đội ngũ nhân viên giải đáp thắc mắc, gỡ rối những vấn đề bạn đang gặp phải nhé.

Bài viết liên quan khác
0778000555
0782222229
button