Khác với các loại hình doanh nghiệp khác, việc thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ (KH&CN) cần đáp ứng những điều kiện riêng. Do đặc thù là đơn vị trực tiếp thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ nên sản phẩm của có thể là hữu hình hoặc vô hình. Cụ thể, khi thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ cần đáp ứng những yêu cầu nào, trình tự và thủ tục ra sao? Tham khảo nội dung Nam Việt Luật trình bày sau đây để nắm rõ.
1/ Điều kiện thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ
Dưới đây là một số quy định về điều kiện thành lập và đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ cần nắm bắt khi có nhu cầu thành lập doanh nghiệp Khoa học và công nghệ
Đối tượng thành lập được thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ
– Doanh nghiệp khoa học công nghệ khi thành lập phải hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và thực hiện việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ kết quả khoa học và công nghệ.
– Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ và thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành để thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.
Doanh nghiệp phải lập hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ sau khi được thành lập. Sở khoa học và công nghệ cấp tỉnh thành nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính có thẩm quyền xem xét và cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Điều kiện để được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ
– Doanh nghiệp phải được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp.
– Về chuyên môn, có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định 13/2019/NĐ-CP.
Theo đó, Doanh nghiệp phải thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
Có năng lực tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định. Năng lực tạo ra kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp tự nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện, tạo ra kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận.
Có năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định. Năng lực ứng dụng kết quả KH&CN được thể hiện ở việc doanh nghiệp đảm bảo được các điều kiện cần thiết (quy định tại mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP) để triển khai ứng dụng kết quả KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Điều kiện cần đáp ứng về tỷ lệ doanh thu
Đối với doanh nghiệp đã thành lập từ đủ 5 năm trở lên: có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
Việc xác định tỷ lệ doanh thu để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN thì doanh nghiệp phải tự kê khai trong hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (có thể kê khai theo kết quả kinh doanh của quý hoặc năm) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của thông tin. Cơ quan quản lý căn cứ vào báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp hàng năm để thực hiện việc quản lý, rà soát, bảo đảm doanh nghiệp duy trì được điều kiện chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm thì không cần đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu.
2/ Thủ tục thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ
Là loại hình doanh nghiệp rất đặc thù, do đó bênh cạnh việc thực hiện đầy đủ các trình tự theo quy định của Luật doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải thực hiện thêm một số thủ tục khác. Dưới đây là quy định về hồ sơ và quy trình thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp KH&CN.
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ bao gồm:
– Giấy đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Mẫu số 01 theo phụ lục ban hành của Nghị định 13/2019/NĐ-CP quy định doanh nghiệp khoa học công nghệ).
– Các văn bản xác nhận, công nhận kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của cơ quan có thẩm quyền (bản sao có chứng thực hoặc mang theo bản chính để đối chiếu. Theo đó, các văn bằng có thể thuộc một trong các loại sau:
Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
Quyết định công nhận giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật;
Bằng chứng nhận giải thưởng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng;
Quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Giấy xác nhận hoặc giấy thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước;
Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;
Các văn bản xác nhận, công nhận khác có giá trị pháp lý tương đương.
– Phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ (Mẫu số 02 theo phụ lục ban hành của Nghị định 13/2019/NĐ-CP)
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
Trong đó, nội dung dự án sản xuất, kinh doanh cần phải thuyết minh rõ ràng các sản phẩm dự kiến sản xuất, kinh doanh và phải được hình thành từ các kết quả khoa học công nghệ; các điều kiện bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kèm theo các văn bản xác nhận quyền sử dụng /sở hữu hợp pháp các kết quả khoa học công nghệ đó.
Bên cạnh đó, hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ của đối tượng là tổ chức công lập thì ngoài các văn bản theo quy định kể trên cần có thêm quyết định của cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt đề án chuyển đổi tổ chức hoạt động.
Bộ Khoa học & Công nghệ đã quy định cụ thể và rõ ràng nội dung hồ sơ đăng ký và thủ tục thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, hướng dẫn thẩm định, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Trình tự thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ
Cũng giống như đăng ký thành lập các doanh nghiệp nói chung, thủ tục thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ có 3 bước cơ bản:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo đúng quy định của Pháp luật về thành lập doanh nghiệp.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ tại Văn phòng sở Khoa học và công nghệ.
Ở bước đăng ký cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp KH&CN này, doanh nghiệp không cần phải nộp bất kỳ một loại lệ phí nào khi.
Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, Sở Khoa học Công nghệ sẽ tiến hành xem xét, thẩm định hồ sơ đăng ký. Lúc này có 2 trường hợp:
+ Nếu hồ sơ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu theo quy định thì Sở Khoa học và Công nghệ sẽ cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ.
+ Nếu trường hợp hồ sơ thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ và bản thân doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định thì Sở Khoa học và Công nghệ không cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp và sẽ gửi văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bước 3: Sau khi có thông báo về việc nhận Giấy chứng nhận, doanh nghiệp sẽ nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở Sở Khoa học và Công nghệ.
Bạn cần lưu ý:
- Giấy chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ sẽ có giá trị đồng thời là Giấy đăng ký hoạt động khoa học công nghệ.
- Giấy chứng nhận doanh nghiệp Khoa học Công nghệ có hiệu lực kể từ ngày được và hết hiệu lực khi kết thúc thời gian hưởng chế độ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
- Giấy chứng nhận doanh nghiệp Khoa học Công nghệ là căn cứ để xem xét thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp này.
Để biết thêm chi tiết thông tin về các thủ tục thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng như hồ sơ thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ bạn hãy liên hệ trực tiếp Nam Việt Luật chúng tôi sẽ tư vấn miễn phí nhanh chóng và chính xác nhất cho bạn. Chúc bạn thành công!
NVL Legal – Chuyên gia pháp lý biên tập bài viết website nhằm giúp độc giả có thể tiếp cận, tham khảo thông tin ở mức độ cơ bản. Tuy nhiên, quy định pháp luật thường xuyên thay đổi, tại thời điểm đăng tải bài viết không tránh khỏi việc cập nhật chưa kịp thời, do đó thông tin chỉ có giá trị tham khảo, chưa là căn cứ đầy đủ để áp dụng trong thực tế. Nếu cần thêm thông tin chính xác, bạn vui lòng liên hệ NVL để được hỗ trợ.