Phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất

Thuế thu nhập doanh nghiệp là khoản tiền quan trọng của ngân sách Nhà nước. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần có trách nhiệm thực hiện tốt theo đúng quy định của pháp luật về việc đóng thuế. Nam Việt Luật sẽ hướng dẫn bạn phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp chi tiết nhất đối với từng trường hợp cụ thể qua bài viết dưới đây.

Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào các khoản thu nhập của doanh nghiệp phải chịu thuế. Loại thuế này bao gồm các khoản thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và các khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật.

Khoản thuế này sẽ được tính trên phần thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi các khoản phí hợp lý. Đây được xem là một nguồn thu quan trọng của ngân sách Nhà nước giúp Nhà nước có nguồn vốn để đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm khác như giáo dục, y tế, giao thông,…

Thu nhập tính thuế TNDN là công cụ để điều chỉnh phân bổ hiệu quả các nguồn lực trong nền kinh tế. Từ đó thúc đẩy hoặc ngăn chặn sự phát triển của một số ngành hàng, một số loại hàng hoá. Nó cũng là công cụ điều chỉnh, phân phối lại thu nhập xã hội làm giảm bớt khoảng cách giàu nghèo. 

Phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong từng trường hợp cụ thể

Căn cứ vào Điều 11 Nghị định 218/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 12/2015/NĐ-CP) cách tính chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp được tính toán chi tiết dựa theo một số trường hợp cụ thể sau đây:

Tính thuế TNDN khi doanh nghiệp Việt Nam đã nộp thuế ở nước ngoài

Số thuế TNDN phải nộp trong kỳ tính thuế = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần thu nhập sau khi đã nộp thuế ở nước ngoài về Việt Nam thì đối với các nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế lần hai thì thực hiện theo quy định của Hiệp định.

Trường hợp chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế lần hai thì ở các nước doanh nghiệp đầu tư chuyển về có mức thuế suất, thuế TNDN thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo Luật thuế thu nhập của Việt Nam.

Tính thuế TNDN theo phương pháp trực tiếp

Đối với đơn vị tổ chức không phải doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thì doanh nghiệp đó phải nộp thuế TNDN theo cách tính thuế tndn trực tiếp trên doanh thu. Công thức tính như sau:

Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp = Tỷ lệ % x Doanh thu

Trong đó, tỷ lệ % gồm những hạng mục chi tiết dưới đây:

  • Dịch vụ: 5%. Đối với dịch vụ quản lý nhà hàng, khách sạn, casino là 10%; Trường hợp cung ứng dịch vụ có gắng với hàng hoá thì hàng hoá được tính theo tỷ lệ là 1%; Trường hợp không tách riêng được giữa giá trị hàng hoá với giá trị dịch vụ là 2%.
  • Tỷ lệ cung cấp và phân phối hàng hoá tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ hoặc theo các điều khoản thương mại quốc tế: 1%
  • Tỷ lệ tiền bản quyền: 10%
  • Thuê tàu bay (kể cả thuê động cơ, phụ tùng tàu bay), tàu biển: 2%
  • Thuê giàn khoan, máy móc, thiết kế, phương tiện vận tải (trừ tàu bay, kể cả thuê động cơ, phụ tùng tàu bay): 5%
  • Lãi tiền vay: 5%
  • Chuyển nhượng chứng khoán, tái bảo hiểm ra nước ngoài: 0,1%
  • Dịch vụ tài chính phái sinh: 2%
  • Xây dựng, vận tải và các hoạt động khác: 2%

Tính thuế TNDN trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản

Đối với trường hợp này, phương pháp tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản như sau:

Số thuế TNDN phải nộp = Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản x Thuế suất 20%

Tính thuế TNDN trong hoạt động dầu khí hạch toán doanh thu, chi phí bằng ngoại tệ

Đối với trường hợp hoạt động khai thái dầu khí, việc hạch toán doanh thu, chi phí bằng ngoại tệ trong hợp đồng thì thu nhập tính thuế và số thuế phải nộp xác định bằng ngoại tệ.

Các loại thu nhập được miễn thuế theo quy định

Căn cứ theo Điều 4, Văn bản hợp nhất (số 14/VBHN-VPQH) Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Hiện nay có 11 loại thu nhập được miễn thuế TNDN theo quy định. Bao gồm:

  1. Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến nông sản, thuỷ sản, sản xuất muối của hợp tác xã,…
  2. Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp nhằm phục vụ nông nghiệp.
  3. Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, sản phẩm mà còn đang trong thời kỳ thử nghiệm, các sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam.
  4. Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có từ 30% lao động bình quân trong năm trở lên thuộc diện là người khuyết tật, người nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), người cai nghiệp hoặc số lao động bình quân trong năm từ 20 người trở lên không bao gồm doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản.
  5. Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, người tàn tật hay trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội.
  6. Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, liên doanh hay liên kết với doanh nghiệp trong nước, sau khi đã nộp thuế TNDN theo quy định.
  7. Nguồn thu nhập từ khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hoá, nghệ thuật, hoạt động từ thiện và nhiều hoạt động xã hội khác ở Việt Nam.
  8. Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ lĩnh vực này.
  9. Thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ Nhà nước đã giao trong hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của ngân hàng.
  10. Thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong hoạt động giáo dục – đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác để lại. Đây sẽ là phần thu nhập hình thành tài sản không chia của hợp tác xã.
  11. Thu nhập chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho cá nhân, tổ chức ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nam Việt Luật đã chia sẻ đến bạn các phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất. Hy vọng những thông tin chúng tôi vừa đem đến sẽ hữu ích với bạn đọc.

Bài viết liên quan khác
0778000555
0782222229
button