Thủ tục khai nhận di sản thừa kế

Thủ tục kê khai tài sản thừa kế là một trong những thủ tục quan trọng, nhất là khi người đã mất có khối tài sản lớn muốn để lại cho người thân hay con cháu. Tuy nhiên con cháu khi thừa kế di sản đó thì không thể nhận tài sản trong âm thầm mà buộc phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế một cách đúng đắn, công khai và tôn trọng pháp luật. Hôm nay, qua bài viết dưới đây, Nam Việt Luật xin giới thiệu đến các bạn những kiến thức cần thiết nhất về thủ tục khai nhận di sản thừa kế một cách hợp pháp tại Việt Nam nhé!

1. Khai nhận di sản thừa kế là gì?

Theo Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì mọi cá nhân hợp pháp đều có quyền lập di chúc hợp pháp để thể hiện sự định đoạt ý chí với phần tài sản, vật chất mà mình tích lũy được cho người khác khi mình không may qua đời.

Tuy nhiên, để được hưởng thừa kế một cách hợp pháp, người thừa kế phải:

  • Thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế (khi không cần hoặc không muốn phân chia di sản thừa kế) hoặc thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế (nếu các bên thụ hưởng tài sản đó có ý định muốn phân chia di sản thừa kế)
  • Chấp nhận nhận thừa kế theo di chúc, theo pháp luật và chuyển quyền sở hữu di sản từ người chết sang cho mình.


Do đó, có thể hiểu thủ tục khai nhận di sản thừa kế là thủ tục nhằm xác lập quyền sở hữu đối với di sản thừa kế của người thụ hưởng trong di chúc hoặc người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quyền thừa kế sau khi người để lại di sản chết.
Tài sản thừa kế ở đây được hiểu bao gồm 2 loại:

  1. Tài sản hữu hình (bất động sản và động sản)
    – Bất động sản: Nhà, đất và mọi công trình gắn liền với nhà ở, với đất.
    – Động sản: xe máy, xe ô tô, phương tiện giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt,..), các loại công cụ hỗ trợ lao động khác,…

  2. Tài sản vô hình (quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng các loại tài sản khác,…).

2. Điều kiện để tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế

Để tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế, phải thỏa 2 điều kiện:

  1. Điều kiện về người thừa kế.
  2. Điều kiện của thủ tục khai nhận di sản thừa kế.

2.1 Kiểm tra xem bạn có đủ điều kiện nhận di sản thừa kế không?

Do thủ tục khai nhận di sản thừa kế cũng là tiến trình hợp pháp hóa việc thừa hưởng di sản thừa kế nên nó phải tuân theo các quy định về thừa kế nêu tại Bộ luật Dân sự năm 2015 như:

  • Người thừa kế là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc đã được sinh ra và còn sống sau khi mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người này chết…

Ngoài ra, theo Theo quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự 2015, người thừa kế KHÔNG được là một trong những người sau đây:

  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, hành vi ngược đãi, hành hạ nghiêm trọng người để lại di sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người đó.
  • Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng của người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
  • Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc, giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che dấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Tuy nhiên, nếu nhóm các đối tượng trên đã được người đã mất hiểu rõ hành vi mà vẫn cho hưởng di sản theo di chúc, thì những người này vẫn được hưởng di sản thừa kế.

Ngoài ra, từ khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp:

Bạn đã đủ 18 tuổi trở lên và có khả năng lao động mà:

  • Người lập di chúc (cha mẹ bạn) không đề cập gì đến việc bạn là người thụ hưởng trong di chúc.
  • Toàn bộ di sản là quyền sử dụng đất, nhà ở được thừa kế theo di chúc hợp pháp.

Thì bạn cũng không được không được hưởng di sản sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Trừ trường hợp:
“ Những người thụ hưởng theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”  thì quyền thừa kế di sản mới thuộc về bạn.

2.2 Điều kiện hợp pháp để mở thủ tục khai nhận di sản thừa kế

Căn cứ theo Điều 58 khoản 1 Luật Công chứng 2014, thủ tục khai nhận tài sản thừa kế được áp dụng đối với trường hợp:
Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.”

Do đó có thể hiểu, thủ tục khai nhận di sản thừa kế được tiến hành trong 2 trường hợp:

  1. Khi những người thụ hưởng tài sản thuộc hàng thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc có thỏa thuận đồng sở hữu, cùng quản lý và sử dụng mà không muốn phân chia di sản thừa kế.(không áp dụng đối với người thừa kế theo di chúc).

  2. Khi những người thụ hưởng tài sản thuộc hàng thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc chỉ gồm MỘT người.

3. Tại sao phải khai nhận di sản thừa kế?

Theo Khoản 3 Điều 106 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đăng ký tài sản như sau:

  1. Việc đăng ký tài sản phải được công khai”.

Do đó, nếu người hưởng di sản thừa kế không làm thủ tục hưởng di sản thừa kế thì không thể thực hiện được các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản như sang tên, chuyển nhượng, chuyển đổi, giao dịch đối với những phần di sản phải đăng ký quyền sở hữu và sử dụng mà người chết để lại.

Đăng ký quyền sở hữu được hiểu là việc thực hiện thủ tục với cơ quan nhà nước nhằm ghi nhận quyền sở hữu tài sản hợp pháp của bạn với khối tài sản đó.

Đa số di sản thừa kế mà người đã mất để lại cho người thân thường là đất đai, nhà cửa nên theo Điều 188 Luật Đất Đai 2013:

  1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

    Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận theo quy định.

=> Như vậy phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở mới có thể toàn quyền sử dụng đất và nhà ở, mà để có giấy chứng nhận này thì cần làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế về bất động sản đó.

4. Hồ sơ thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm những gì?

Theo điều 57 và 58 Luật công chứng 2014 quy định, thủ tục khai nhận di sản thừa kế bao gồm:

4.1 Giấy tờ của người để lại di sản:

  • Giấy chứng tử (bản chính kèm bản sao) của người để lại di sản, hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết;
  • Bản sao di chúc hợp pháp (nếu có).
  • Giấy đăng ký kết hôn của người để lại di sản, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi còn sống (nếu có).
  • Các giấy tờ chứng minh về tài sản của người để lại di sản bao gồm:
    + Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như Sổ đỏ, Sổ hồng,… (nếu có)
    + Sổ tiết kiệm.
    + Giấy đăng ký xe máy;  xe ô tô,…các phương tiện giao thông khác.
    + Giấy chứng nhận cổ phần,…;
  • Các giấy tờ khác về tình trạng tài sản đồng sở hữu, tài sản chung/riêng phát sinh trong đời sống vợ/chồng như bản án ly hôn, văn bản tặng cho tài sản, thỏa thuận tài sản chung/riêng hay giấy tờ thỏa thuận phân chia di sản/thừa kế di sản khác đã có trước khi mất.

4.2 Giấy tờ của người thụ hưởng

  • Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;
  • Các giấy tờ chứng minh nhân thân cơ bản như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… 
  • Bản sao hợp pháp có công chứng giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người thừa kế di sản.
  • Sơ yếu lý lịch của một trong những người khai nhận di sản thừa kế (đã có xác nhận của UBND phường, xã hoặc cơ quan có thẩm quyền);
  • Giấy chứng tử, xác nhận phần mộ, giấy xác nhận/chứng minh quan hệ của những người thừa kế đã chết trước thời điểm mở thừa kế (nếu có) tại thời điểm làm thủ tục.
  • Hợp đồng ủy quyền khai nhận di sản thừa kế có công chứng (nếu có) khi người được hưởng di sản không đủ điều kiện đi khai nhận và nhờ bên được ủy quyền thay mặt mình tiến hành các thủ tục pháp lý.
  • Giấy tặng di sản thừa kế, nhường một phần hoặc giấy từ chối nhận di sản thừa kế (nếu có).
  • Dự thảo văn bản khai nhận di sản (trường hợp tự soạn thảo);

Lưu ý:
Khi nộp bản sao thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.

5. Quy trình nộp hồ sơ thủ tục khai nhận di sản thừa kế

5.1 Nộp hồ sơ khi nhận di sản thừa kế

  • Người được nhận di sản thừa kế cần tiến hành lập văn bản khai nhận di sản thừa kế và liên hệ trực tiếp với phòng công chứng để lập thông báo về việc khai nhận di sản.
  • Bạn có thể nộp hồ sơ tại bất kỳ tổ chức công chứng nào trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi bạn sinh sống.
  • Nếu tài sản thừa kế là bất động sản thì bạn phải đến làm thủ tục tại cơ quan công chứng trên địa bàn tỉnh, thành phố có bất động sản.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 44 Luật công chứng 2014, nếu bạn là:

  • Người già yếu, không thể đi lại được;
  • Người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù; 
  • Hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

thì bạn có thể:

  • Trình bày lý do không thể đi lại được (nế có lí do thực sự chính đáng như do vấn đề bệnh tật, sức khỏe không thể đi lại được) để tổ chức công chứng cử người đến lấy chữ ký, điểm chỉ mà bạn không cần đến trụ sở;
  • Hoặc cách khác là bạn có thể làm một hợp đồng ủy quyền khai nhận di sản thừa kế có công chứng (theo Điều 562, Bộ luật dân sự 2015) để người được bạn tin tưởng ủy quyền có thể thay mặt bạn một cách hợp pháp tiến hành các thủ tục khai nhận di sản thừa kế.

5.2 Thẩm định hồ sơ công chứng khai nhận di sản thừa kế

Sau khi nộp hồ sơ, công chứng viên có trách nhiệm phải kiểm tra nhằm xác định:

  • Tính minh bạch và đầy đủ hợp pháp của các loại giấy tờ.
  • Quyền sử dụng và sở hữu tài sản của người đã mất có hợp pháp không?
  • Mối quan hệ giữa người đã mất và người thừa kế có chính xác không?
  • Người yêu cầu công chứng có nằm trong diện người thừa kế theo pháp luật và theo di chúc không?

Nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì công chứng viên có quyền từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

5.3 Niêm yết công khai hồ sơ công chứng khai nhận di sản thừa kế

Theo Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP:
Hồ sơ nếu được tiếp nhận, tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành niêm yết công khai tại:

  • Trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi người để lại di sản thường trú cuối cùng (nếu không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó).
  • Và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản nhà đất 
  • Trong trường hợp di sản thừa kế là bất động sản ở nhiều địa phương thì việc niêm yết được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đó.

Sau 15 ngày niêm yết:

  • Nếu không có khiếu nại, tố cáo gì từ những người đồng thừa kế hoặc người có quyền lợi liên quan thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo Điều 49 Luật Công chứng.
  • Ngược lại, nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản, bỏ sót người thừa kế, di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó phải gửi cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện niêm yết.

Nội dung niêm yết phải nêu rõ:

  • Họ và tên của người để lại di sản; 
  • Họ và tên của những người đồng thừa kế khai nhận di sản thừa kế; 
  • Quan hệ của những người khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; 
  • Danh mục các loại di sản thừa kế;
  • Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.
  • Mục đích chính của việc niêm yết là nhằm để xác định có hay không có tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất mà lại niêm yết ở UBND thì không hợp lý. 

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận và bảo quản việc niêm yết hoàn toàn đúng quy trình trong thời hạn niêm yết.

5.4 Đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở 

Trong trường hợp di sản thừa có ít nhất một trong hai là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở thì sau khi thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế, người thừa kế quyền sử dụng đất (hoặc quyền sở hữu nhà ở) phải nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp quận/huyện. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nếu có nhu cầu.

Trình tự, thủ tục đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:

 Bước 1: Bên thừa kế nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện (nếu là cá nhân), cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu là tổ chức). 

Theo đó, hồ sơ gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà.
  • Các giấy tờ về thừa kế (Di chúc, văn bản khai nhận di sản thừa kế có công chứng).
  • Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất của người để lại di sản.
  • Giấy chứng tử.
  • Tờ khai nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và tờ khai nộp lệ phí trước bạ nhà đất.
  • Giấy tờ khác (chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai bên…).

Bước 2: Căn cứ vào hồ sơ, văn phòng đăng ký nhà đất sau khi nhận hồ sơ sẽ có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, làm trích sao hồ sơ địa chính; xác định vị trí thửa đất và gửi số liệu địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có) 

Bước 3: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà ở sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế (nếu chủ nhà không thuộc diện phải nộp hoặc được miễn nộp nghĩa vụ tài chính thì không có bước này).

Bước 4: 

  • Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan quản lý nhà ở để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở. 
  • Sau khi bên nhận thừa kế thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, Văn phòng đăng ký nhà đất có trách nhiệm trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ sở hữu.

 

6. Lệ phí của thủ tục khai nhận di sản thừa kế

Căn cứ theo Điều 66, Điều 67, Điều 68 Luật công chứng 2014 thì khi người đi công chứng sẽ chịu các loại phí như: Phí công chứng, Thù lao công chứng, Chi phí khác.

6.1 Phí công chứng

Căn cứ Khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch 08/2012/TTLT-BTC-BTP quy định:

– Phí công chứng văn bản khai nhận di sản tính trên giá trị di sản như sau:

Giá trị di sản:

  • Dưới 50 triệu đồng thì mức thu là: 50.000đ
  • Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì mức thu là: 100.000đ
    Từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng thì mức thu là: 0,1% giá trị di sản thừa kế
  • Từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng thì mức thu là: 01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản vượt quá 01 tỷ đồng.
  • Từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng thì mức thu là: 2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản vượt quá 03 tỷ đồng
  • Từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì mức thu là: 3.2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản vượt quá 01 tỷ đồng.
  • Từ trên 10 tỷ đồng thì mức thu là: 5.2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản vượt quá 01 tỷ đồng.

6.2 Thù lao công chứng

Căn cứ Điều 67 Luật công chứng 2014 quy định:

  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương. 
  • Tổ chức hành nghề công chứng xác định mức thù lao đối với từng loại việc không vượt quá mức trần thù lao công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và niêm yết công khai các mức thù lao tại trụ sở của mình.
  • Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm giải thích rõ cho người yêu cầu công chứng về thù lao công chứng.

Theo đó

  • TPHCM đã quy định mức trần thù lao công chứng với văn bản khai nhận di sản thừa kế từ 140.000 đến 450.000đ tùy theo mức độ phức tạp của hồ sơ cần công chứng theo quyết định 08/2016/QĐ-UBND.
  • Hà Nội đã quy định mức trần thù lao công chứng với văn bản khai nhận di sản thừa kế là 1.200.000đ theo quyết định số 10/2016/QĐ-UBND.

=> Bạn hoàn toàn có thể căn cứ theo mức trần lệ phí này để biết cơ quan công chứng địa phương có khai giá khống và tuân thủ luật pháp hay không.

6.3 Chi phí khác

Theo quy định tại Điều 68 Luật công chứng năm 2014, chi phí khác gồm: phí soạn thảo hợp đồng, chi phí đi lại nếu có,…

Căn cứ vào từng từng điều kiện cụ thể của từng địa phương mà quy định mức thu phí khác sao cho phù hợp.

6.4 Thuế TNCN và thuế trước bạ

Áp dụng khi di sản thừa kế là quyền sử dụng đất hay quyền sở hữu nhà ở:

Nghĩa vụ tài chính trong trường hợp này gồm có:

  • Lệ phí trước bạ: Bằng 0,5% giá trị QSDĐ = (Diện tích đất) x (Giá đất) x 0,5%.
  • Thuế thu nhập cá nhân: là 2% theo chuyển nhượng bất động sản.
  • Lệ phí địa chính: do địa phương quyết định.
  • Lệ phí thẩm định: do địa phương quyết định.

6.5 Các trường hợp được miễn thuế TNCN và lệ phí trước bạ

6.5.1 Miễn thuế thu nhập cá nhân

Căn cứ theo Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi bổ sung năm 2012 quy định về thu nhập được miễn thuế, thì khi thu nhập đó được nhận từ thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa các đối tượng sau sẽ được miễn thuế TNCN

  • vợ với chồng; 
  • cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; 
  • cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; 
  • cha chồng, mẹ chồng với con dâu; 
  • cha vợ, mẹ vợ với con rể; 
  • ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; 
  • anh chị em ruột với nhau.

6.5.2 Miễn lệ phí trước bạ

Thu quy định tại Khoản 10 Điều 4 Nghị định số: 45/2011/NĐ-CP về các trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ gồm:

” Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: 

  • vợ với chồng; 
  • cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; 
  • cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, 
  • mẹ chồng với con dâu; 
  • cha vợ, mẹ vợ với con rể; 
  • ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; 
  • anh, chị, em ruột với nhau 

nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu”.

7. Mẫu văn bản khai nhận di sản thừa kế tại Nam Việt Luật

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

VĂN BẢN KHAI NHẬN DI SẢN

Hôm nay, trước mặt Công chứng viên Văn phòng Công chứng A1, TPHCM, tôi thực hiện việc khai nhận di sản với những nội dung như sau:

ĐIỂU 1. NGƯỜI KHAI NHẬN DI SẢN

1.1) Ông/Bà: Huỳnh Tấn A,

Sinh năm: XXXX

Chứng minh nhân dân số: 123456789

Do: Công an thành phố TPHCM cấp ngày 22/11/2012,

Đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Xóm X, thôn A, xã K, huyện P, thành phố TPHCM

1.2) Bà Huỳnh Ngọc C

Sinh năm: XXXX

Chứng minh nhân dân số: 987654321

Do: Công an thành phố TPHCM cấp ngày 22/11/2012,

Đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Xóm X, thôn A, xã K, huyện P, thành phố TPHCM

1.3) Bà Huỳnh Ngọc T

Sinh năm: XXXX

Chứng minh nhân dân số: 654895698

Do: Công an thành phố TPHCM cấp ngày 22/11/2012,

Đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Xóm X, thôn A, xã K, huyện P, thành phố TPHCM

ĐIỀU 2. NGƯỜI ĐỂ LẠI DI SẢN

– Ông Huỳnh Tấn P, sinh năm 1966

 Chết ngày 15/02/2012

theo Giấy chứng tử số: 19/2012,

Quyển số 01/2012 sao từ Sổ đăng ký khai tử do Uỷ ban nhân dân xã K, huyện P, thành phố TPHCM cấp ngày 08/03/2012.

– Nơi thường trú cuối cùng trước khi chết: thôn A, xã K, huyện P,  TPHCM.

– Trước khi chết ông Huỳnh Tấn P không để lại Di chúc, không để lại bất kỳ nghĩa vụ tài sản nào mà những người thừa kế của ông Huỳnh Tấn P phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

– Tính đến thời điểm mở thừa kế ông Huỳnh Tấn P không phải trả nợ cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào.

ĐIỀU 3. DI SẢN ĐỂ LẠI

* Di sản mà ông Huỳnh Tấn P để lại là một phần quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung với hộ ông Huỳnh Tấn P, tại địa chỉ: thôn A, xã K, huyện P, thành phố TPHCMnhư mô tả cụ thể dưới đây:

– Thửa đất số: 456, tờ bản đồ số: 010;

– Địa chỉ thửa đất: thôn A, xã K, huyện P, thành phố TPHCM;

– Diện tích:  100 m2 (bằng chữ: Một trăm mét vuông);

– Hình thức sử dụng: 

  Sử dụng riêng: 100 m2

  Sử dụng chung: Không m2

– Mục đích sử dụng: Đất ở tại nông thôn;

– Thời hạn sử dụng: Lâu dài;

– Nguồn gốc sử dụng đất: Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất;

* Giấy tờ về tài sản: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” số AN 025635 do Ủy ban nhân dân huyện P, thành phố TPHCM cấp ngày 01/01/2008, Số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: H 0012234 mang tên Hộ ông: Huỳnh Tấn P.

* Tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận nêu trên, hộ ông Huỳnh TấnP gồm có 04 (bốn) nhân khẩu, là các ông ( ông Huỳnh Tấn P, Huỳnh Tấn A, Huỳnh Ngọc C, Huỳnh Ngọc T. Như vậy, di sản mà ông Huỳnh Tấn P để lại là quyền sử dụng một phần diện tích đất tương đương với 25 m2

ĐIỀU 4. NGƯỜI ĐƯỢC HƯỞNG DI SẢN

Những người thừa kế theo pháp luật hàng thứ nhất của ông Huỳnh Tấn P gồm có:

4.1. Ông Huỳnh Tấn A Là bố đẻ của ông Huỳnh Tấn P;

4.2. Bà Huỳnh Ngọc C Là mẹ đẻ của ông Huỳnh Tấn P;

4.3. Bà Huỳnh Ngọc T Là vợ của ông Huỳnh Tấn P;

– Tất cả chúng tôi có số Chứng minh và hộ khẩu thường trú như đã nêu tại phần trên của Văn bản này.

– Chúng tôi xin cam đoan những điều chúng tôi khai trong Văn bản này là hoàn toàn đúng sự thật.

– Chúng tôi không khai thiếu người thừa kế và không khai man người thừa kế. Nếu sai hoặc sau này còn có ai khác khiếu nại và chứng minh được họ là chủ sử dụng hợp pháp đối với di sản của ông Huỳnh Tấn P hoặc là người thừa kế hợp pháp của ông Huỳnh Tấn P thì chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và xin đem tài sản của mình ra để đảm bảo cho lời khai này.

ĐIỀU 5. KHAI NHẬN DI SẢN 

– Bằng văn bản này chúng tôi: Huỳnh Tấn A, Huỳnh Ngọc C, Huỳnh Ngọc T khẳng định là những người được hưởng di sản của ông Huỳnh Tấn P để lại. Mỗi người được hưởng phần di sản tương đương với 4,8 m2

– Chúng tôi: Huỳnh Tấn A, Huỳnh Ngọc C, Huỳnh Ngọc T đồng ý nhận phần di sản mà mình được hưởng.

Chúng tôi: Huỳnh Tấn A, Huỳnh Ngọc C, Huỳnh Ngọc T sẽ thực hiện thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nêu trên theo quy định của pháp luật.

ĐIỀU 6. CAM KẾT

Chúng tôi cam kết rằng: Khi lập văn vản này chúng tôi không che dấu người thừa kế, nếu sau này có ai chứng minh được là họ người thừa kế hợp pháp của người để lại di sản thì chúng tôi dùng tài sản của mình để trả cho người đó kỷ phần mà họ được hưởng theo đúng quy định của pháp luật. Tôi đã được Công chứng viên giải thích kỹ về toàn bộ nội dung của Văn bản, quyền và nghĩa vụ của những người hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế; Sau khi tự đọc lại toàn bộ nội dung Văn bản khai nhận di sản này,  tôi công nhận đã hiểu rõ, đồng ý hoàn toàn nội dung của Văn bản. Tôi đều nhận thức rõ được trách nhiệm của mình trước pháp luật khi lập và ký Văn khai nhận di sản này. Tôi đã ký tên và điểm chỉ theo quy định của pháp luật dưới đây để làm bằng chứng thực hiện.

NHỮNG NGƯỜI KHAI NHẬN DI SẢN

LỜI CHỨNG CỦA CÔNG CHỨNG VIÊN

Hôm nay, ngày …………………………………………………………………

Tại trụ sở Văn phòng Công chứng ĐK, huyện P, thành phố TPHCM

Tôi – Huỳnh Tấn Q, Công chứng viên Văn phòng Công chứng ĐK, thành phố TPHCM

Chứng nhận

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

 

SỐ CÔNG CHỨNG: ……………. /  ……/VBKNDS Quyển số ……

 

CÔNG CHỨNG VIÊN

 

 

8. Câu hỏi thường gặp về thủ tục khai nhận di sản thừa kế

8.1 Di chúc chưa công chứng có được khai nhận di sản thừa kế không?

Đáp: Khi khai nhận di sản thừa kế có di chúc, di chúc đó buộc phải đảm bảo điều kiện của một di chúc hợp pháp.

Theo Bộ luật dân sự năm 2015 di chúc được coi là hợp pháp khi:

  • Điều 627- quy định về hình thức của di chúc hợp pháp:
    Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

  • Điều 628. Di chúc bằng văn bản
    Di chúc bằng văn bản bao gồm:
    1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
    2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
    3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.
    4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

  • Điều 630. Di chúc hợp pháp
    1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
    a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
    b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
    2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
    3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
    4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
    5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

=> Di chúc bằng văn bản dù không có công chứng, chứng thực vẫn được coi là hợp pháp miễn là người lập di chúc khi lập di chúc vẫn còn trong trạng thái minh mẫn, không bị cưỡng ép, đe đọa, lừa đối và nội dung di chúc không trái với pháp luật.

8.2 Khai nhận di sản thừa kế khi không có di chúc như thế nào?

Đáp: Khi không có di chúc, mọi di sản của người đã mất sẽ được thừa kế theo pháp luật.(Khoản 2 Điều 650 Bộ Luật Dân sự 2015)

Thừa kế theo pháp luật là việc thừa kế di sản phân theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (theo hàng thừa kế thứ nhất đến hàng thừa kế thứ ba).

Cụ thể:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật.

  1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

  2. a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

  3. b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

  4. c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

  5. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

  6. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

8.3 Ủy quyền cho người khác khai nhận di sản thừa kế có được không?

Đáp: Bạn hoàn toàn có thể ủy quyền một người bất kỳ ký hộ hay thay thế bạn thực hiện một việc nào đó trong việc khai nhận di sản thừa kế bằng việc cùng họ thực hiện một hợp đồng ủy quyền khai nhận di sản thừa kế.

Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng uỷ quyền như sau:

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Tuy nhiên, hợp đồng ủy quyền khai nhận di sản thừa kế giữa bạn và người đó cần được công chứng hợp pháp (theo Điều 55 Luật công chứng 2014).

Sau khi đã làm hợp đồng uỷ quyền khai nhận di sản thừa kế có công chứng thì gia đình bạn làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng và người được ủy quyền có thể ký thay bạn trong văn bản khai nhận di sản thừa kế.

8.4 Người ở nước ngoài có được ủy quyền cho người trong nước khai nhận di sản thừa kế không?

Đáp: Trong trường hợp không thể về Việt Nam để tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì bạn có thể lập giấy ủy quyền / hợp đồng ủy quyền cho người bất kỳ bạn tin tưởng, thủ tục được tiến hành tại cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài và thực hiện bởi Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao theo trình tự, thủ tục của Luật Công chứng.

Người được ủy quyền sẽ nhân danh, thay mặt người ở nước ngoài tiến hành các thủ tục khai nhận di sản thừa kế ở trong nước một cách hợp pháp.

8.5 Người thân mất đã lâu nhưng giờ mới khai nhận di sản thừa kế có được không? 

Đáp: Tin vui cho bạn là việc khai nhận di sản thừa kế hoàn toàn có thể thực hiện được nếu thời hạn tính từ lúc mở thừa kế (thời điểm người thân bạn qua đời) vẫn còn nằm trong khoảng Thời hiệu thừa kế được pháp luật quy định.

Theo đó, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã kéo dài thời hiệu thừa kế đối với bất động sản từ 10 năm theo quy định của BLDS năm 2005 lên thành 30 năm, mở ra cơ hội để khai nhận di sản thừa kế trong những trường hợp mà trước 2015 có thể được xem là hết thời hiệu khai nhận thừa kế.

Cụ thể,  điều 623 BLDS 2015 quy định:
“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó..”

9. Lợi ích khi sử dụng dịch vụ khai nhận di sản thừa kế tại Nam Việt Luật

Ngày nay, trong bối cảnh xã hội phát triển không ngừng thì các thủ tục pháp lý cũng phải chuyển biến liên tục. Do đó, chúng ta đã quá quen với việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp lý.

Chính vì thế mà dịch vụ tư vấn khai nhận di sản thừa kế của Nam Việt Luật ra đời với sứ mệnh giúp bạn thoát khỏi những thủ tục và điều kiện pháp lý rườm rà khi theo đuổi các thủ tục khai nhận di sản thừa kế, vốn là một chủ đề dễ làm bạn mất rất nhiều thời gian nếu không nắm rõ luật.

9.1 Giải quyết khai nhận di sản thừa kế nhanh chóng nhất

  • Thừa kế và khai nhận di sản thừa kế vốn luôn là một vấn đề gây rất nhiều đau đầu cho mọi gia đình khi không may có người thân vừa mất bởi không phải ai trong chúng ta cũng nắm rõ các điều kiện và điều khoản của luật thừa kế.
  • Thực tế đã cho thấy các vụ thừa kế di sản rất dễ làm mất hòa khí của gia đình, những tranh cãi và mâu thuẫn không đáng có về việc được hưởng di sản thừa kế như thế nào cho hợp pháp.

Do đó:

  • Tại Nam Việt Luật, với đội ngũ chuyên viên tư vấn của của chúng tôi vốn có hơn 10 kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý sẽ luôn sẵn sàng giúp bạn và người thân trong gia đình mình được công nhận quyền thừa kế di sản một cách hợp pháp và nhanh chóng nhất.
  • Quy trình tư vấn tinh gọn, đúng trọng tâm, không cần đi lại nhiều lần, hồ sơ nhất quán giúp bạn tiết kiệm thời gian nhất có thể.

9.2  Dịch vụ tư vấn đa dạng – chuyên nghiệp – linh hoạt

Nam Việt Luật sẽ tận tình giải đáp mọi thắc mắc cho bạn về quyền thừa kế cũng như các thủ tục khai nhận di sản thừa kế trong mọi trường hợp phát sinh như:

  1. Có di chúc hoặc không có di chúc.

  2. Thủ tục kê khai di sản thừa kế (tài sản thừa kế) đối với tài sản có nhiều đối tượng sở hữu hay tài sản phát sinh chung của vợ/chồng trong hôn nhân.

  3. Thủ tục kê khai di sản thừa kế (tài sản thừa kế) đối với tài sản có nhiều đối tượng đồng thừa kế.

  4. Thủ tục kê khai di sản thừa kế khi người thừa kế sống ở nước ngoài.

  5. Thủ tục kê khai di sản thừa kế khi người thừa kế có nhu cầu làm hợp đồng ủy quyền cho người khác nhân danh bạn thực hiện các thủ tục pháp lý một cách hợp pháp.

Tại Nam Việt luật, chúng tôi luôn tư vấn cho bạn trình tự, thủ tục kê khai di sản thừa kế (tài sản thừa kế) theo đúng quy định của pháp luật về thừa kế để bạn có thể an tâm thực hiện xác lập các quyền sở hữu, quyền sử dụng các tài sản thừa kế một cách nhanh chóng nhất, thuận tiện cho các bước xác lập quyền sở hữu đối với di sản thừa kế về sau.

Vậy nên nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu về dịch vụ khai nhận di sản thừa kế thì đừng ngần ngại, hãy liên lạc với Nam Việt Luật ngay thông qua số điện thoại dưới chân website nhé. Chúng tôi luôn ở đây, sẵn sàng lắng nghe và giúp bạn vượt qua mọi thách thức pháp lý và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho bạn và gia đình bạn một cách tối đa. Xin trân trọng cảm ơn.

Bài viết liên quan khác
0778000555
0782222229
button