Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập hoặc đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tổ chức kinh tế;đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư. Thành lập tổ chức kinh tế bao gồm thành lập doanh nghiệp, thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Với mong muốn tăng cường hoạt động đầu tư kinh doanh, Nhà nước luôn luôn tạo các điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế.
Nhà nước kiến tạo một môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh công bằng để cho các nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng qua các chính sách bảo vệ nhà đầu tư như công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư; bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh khi pháp luật thay đổi; bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư không phải bắt buộc thực hiện theo một số yêu cầu của Nhà nước …Và cả các chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư như áp mức thuế suất thấp, miễn giảm tiền thuế, miễn giảm tiền thuê sử dụng đất …
Ngoài các chính sách trên thì Nhà nước còn các hình thức hỗ trợ đầu tư cho dự án của nhà đầu tư được tiến hành thuận lợi nhất có thể.
Vậy các hình thức hỗ trợ đầu tư bao gồm các hình thức hỗ trợ nào ? Sẽ được quy định ở đâu trong Luật đầu tư ?
Luật đầu tư 2014 Điều 19. Hình thức hỗ trợ đầu tư
1. Các hình thức hỗ trợ đầu tư:
a) Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án;
b) Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực;
c) Hỗ trợ tín dụng;
d) Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, nội thị;
đ) Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ;
e) Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin;
g) Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
2. Chính phủ quy định chi tiết các hình thức hỗ trợ đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục, phổ biến pháp luật và các đối tượng khác phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.
Nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư bằng các hình thức :
+ Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như hệ thống điện chiếu sáng và sinh hoạt, hệ thống lọc và phân phối nước sinh hoạt, hệ thống xử lý nước thải hệ thống xử lý rác thải, giao thông công cộng, các hệ thống truyền thông, hệ thống đường sá …
+ Hỗ trợ phát triển hạ tầng xã hội bao gồm các công trình như y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên…
+ Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để có thể đáp ứng theo nhu cầu sử dụng lao động của nhà đầu tư và theo nhu cầu thị trường.
+ Hỗ trợ tín dụng : có thể giúp đỡ các nhà đầu tư về vay vốn khi cần thiết.
+ Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, nội thị ; giúp các nhà đầu tư có thể tìm và thuê sử dụng hoặc mua được địa điểm sản xuất kinh doanh thích hợp.
+ Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ : nhà đầu tư có thể nhận được các kỹ thuât, công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất kinh doanh.
+ Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin : giúp đỡ các nhà đầu tư tìm hiểu nhu cầu thị trường để có thể đầu tư váo các ngành nghề có thể được lợi nhuận cao và phát triển lâu dài.
+ Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
Chính phủ quy định chi tiết các hình thức hỗ trợ đầu tư trên và sẽ căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.
NVL Legal – Chuyên gia pháp lý biên tập bài viết website nhằm giúp độc giả có thể tiếp cận, tham khảo thông tin ở mức độ cơ bản. Tuy nhiên, quy định pháp luật thường xuyên thay đổi, tại thời điểm đăng tải bài viết không tránh khỏi việc cập nhật chưa kịp thời, do đó thông tin chỉ có giá trị tham khảo, chưa là căn cứ đầy đủ để áp dụng trong thực tế. Nếu cần thêm thông tin chính xác, bạn vui lòng liên hệ NVL để được hỗ trợ.