• Chế độ làm việc của Ban kiểm soát và Kiểm soát viên

    • Tin tức
    • Main Nguyen Tác giả: Main Nguyen
      5 /5 của 3 đánh giá

    Ban kiểm soát và Kiểm soát viên trong doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh, công việc hằng ngày của công ty; giám sát việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các cấp quản lý gồm Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc, Tổng giám đốc và các chức vụ quản lý khác. Vậy chế độ làm việc của Ban kiểm soát và kiểm soát viên như thế nào? Họ có những quyền gì? Trách nhiệm cụ thể của kiểm soát viên ra sao? Được quy định cụ thể ra sao? Bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp một cách chi tiết. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

    I/ Quy định về chế độ làm việc của Ban kiểm soát và Kiểm soát viên

    Khi doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả hay không sẽ ảnh hưởng đến tài sản nhà nước tăng lên hoặc giảm đi hoặc có cá nhận sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để mưu lợi cho cá nhân, tổ chức khác và gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhà nước dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước. Vì doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc nắm phần vốn góp, cổ phần chi phối doanh nghiệp. Để đảm bảo, hạn chế những việc đó không xảy ra cho nên mới cần có Ban kiểm soát và Kiểm soát viên.

    Quyền của Ban kiểm soát và Kiểm soát viên đã được quy định rõ trong Điều 104 Luật doanh nghiệp, với các quyền được trao Ban kiểm soát và Kiểm soát viên có thể xem xét bất kì hồ sơ, tài liệu, sổ sách kế toán, báo cáo, hợp đồng, giao dịch của công ty; được quyền chất vấn các cấp quản lý và yêu cầu được báo cáo, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh đầu tư của công ty….
    Vậy để thực hiện công việc giám sát được hiệu quả thì cần một chế độ làm việc dành cho Ban kiểm soát và Kiểm soát viên. Chế độ làm việc đó được quy định trong Luật doanh nghiệp  2014 quy định ở Điều 105 như sau :

    Điều 105. Chế độ làm việc của Ban kiểm soát và Kiểm soát viên

    1. Trưởng Ban kiểm soát làm việc chuyên trách tại công ty; các thành viên khác có thể tham gia Ban kiểm soát của không quá 04 doanh nghiệp nhà nước nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

    2. Trưởng Ban kiểm soát xây dựng kế hoạch công tác hằng tháng, hằng quý và hằng năm của Ban kiểm soát; phân công nhiệm vụ và công việc cụ thể cho từng thành viên.

    3. Kiểm soát viên độc lập và chủ động thực hiện các nhiệm vụ và công việc được phân công; đề xuất, kiến nghị thực hiện các nhiệm vụ, công việc kiểm soát khác ngoài kế hoạch, ngoài phạm vi được phân công khi xét thấy cần thiết.

    4. Ban kiểm soát họp ít nhất mỗi tháng một lần để rà soát, đánh giá, thông qua báo cáo kết quả kiểm soát trong tháng trình cơ quan đại diện chủ sở hữu; thảo luận và thông qua kế hoạch hoạt động tiếp theo của Ban kiểm soát.

    5. Quyết định của Ban kiểm soát được thông qua khi có đa số thành viên dự họp tán thành. Các ý kiến khác với nội dung quyết định đã được thông qua phải được ghi chép đầy đủ, chính xác và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu.

    >>> Theo quy định trên thì trưởng Ban kiểm soát phải làm việc chuyên trách tại công ty tức là trưởng Ban kiểm soát không được đảm nhiệm chức vụ khác của công ty mình đang làm việc và kể cả chức vụ của các công ty khác. Còn đối với Kiểm soát viên thì có thể đảm nhiệm chức vụ Kiểm soát viên của nhiều doanh nghiệp nhà nước và tổng số lượng không quá 04 doanh nghiệp bao gồm tất cả doanh nghiệp mà mình đang đảm nhiệm.

    Trưởng Ban kiểm soát xây dựng công tác hằng tháng, hằng quý, hằng năm và phân công nhiệm vụ, công việc cho các Kiểm soát viên. Các Kiểm soát viên phải thực hiện công việc, nhiệm vụ được phân công và có thể thực hiện công việc ngoài phạm vi được phân công nếu thấy cần thiết.

    Ban kiểm soát phải họp ít nhất một lần mỗi tháng để báo cáo, đánh giá hiệu quả công việc, lên kế hoạch cho các công việc tiếp theo; đồng thời trình báo cáo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định. Quyết định của Ban kiểm soát được thông qua khi có đa số thành viên dự họp tán thành. Các ý kiến khác với nội dung quyết định đã được thông qua phải được ghi chép đầy đủ, chính xác và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu.

    Chế độ làm việc của Ban kiểm soát và Kiểm soát viên

    Chế độ làm việc của Ban kiểm soát và Kiểm soát viên

    II/ Ban kiểm soát và kiểm soát viên công ty có quyền gì?

    Bên cạnh chế độ làm việc thì kiểm soát viên và ban kiểm soát của công ty có những quyền hạn nhất định. Vấn đề này được trình bày rõ trong điều 104, Luật doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

    Điều 104. Quyền của Ban kiểm soát và Kiểm soát viên

    1. Tham gia các cuộc họp của Hội đồng thành viên, các cuộc tham vấn và trao đổi chính thức và không chính thức của cơ quan đại diện chủ sở hữu với Hội đồng thành viên; có quyền chất vấn Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty về các kế hoạch, dự án hay chương trình đầu tư phát triển và các quyết định khác trong quản lý điều hành công ty.

    2. Xem xét sổ sách kế toán, báo cáo, hợp đồng, giao dịch và tài liệu khác của công ty; kiểm tra công việc quản lý điều hành của Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc khi xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

    3. Xem xét, đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh, thực trạng tài chính của công ty, thực trạng vận hành và hiệu lực các quy chế quản trị nội bộ công ty.

    4. Yêu cầu thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và những người quản lý khác báo cáo, cung cấp thông tin về bất cứ việc gì trong phạm vi quản lý và hoạt động đầu tư, kinh doanh của công ty.

    5. Yêu cầu những người quản lý công ty báo cáo về thực trạng tài chính, thực trạng và kết quả kinh doanh của công ty con khi xét thấy cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

    6. Trường hợp phát hiện có thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và những người quản lý khác làm trái các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ hoặc có nguy cơ làm trái các quy định đó; hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, làm trái các quy định về quản lý kinh tế, trái quy định Điều lệ công ty hoặc các quy chế quản trị nội bộ công ty phải báo cáo ngay cho cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty, các thành viên khác của Ban kiểm soát và cá nhân có liên quan.

    7. Đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu thành lập đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm toán tham mưu và trực tiếp hỗ trợ Ban kiểm soát thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.

    8. Thực hiện các quyền khác quy định tại Điều lệ công ty.

    III/ Trách nhiệm của kiểm soát viên trong công ty

    Kiểm soát viên trong công ty có trách nhiệm riêng cần tuân thủ, cụ thể, đối với vấn đề này, bạn có thể tham khảo chi tiết tại điều 106 dưới đây:

    Điều 106. Trách nhiệm của Kiểm soát viên

    1. Tuân thủ pháp luật, Điều lệ công ty, quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu và đạo đức nghề nghiệp trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định tại Luật này và Điều lệ công ty.

    2. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất để bảo vệ lợi ích của Nhà nước và lợi ích hợp pháp của các bên tại công ty.

    3. Trung thành với lợi ích của Nhà nước và công ty; không được sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, lạm dụng địa vị, chức vụ, tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

    4. Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

    5. Trường hợp vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này mà gây thiệt hại cho công ty thì Kiểm soát viên phải chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới bồi thường thiệt hại đó; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và thiệt hại còn có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

    6. Mọi thu nhập và lợi ích khác mà Kiểm soát viên trực tiếp hoặc gián tiếp có được do vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này đều phải trả lại công ty.

    7. Trường hợp phát hiện có Kiểm soát viên vi phạm nghĩa vụ trong thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao thì thành viên khác của Ban kiểm soát có nghĩa vụ báo cáo bằng văn bản đến cơ quan đại diện chủ sở hữu; yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.

    Hy vọng những chia sẻ trên đây về chế độ làm việc, quyền và trách nhiệm của bạn kiểm soát và kiểm soát viên sẽ hữu ích với bạn. Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ đến Nam Việt Luật để được tư vấn chi tiết hơn.

Thông báo
Gọi điện thoại